Nhắc đến ẩm thực Trung Hoa, người ta nhớ ngay đến những chiếc điểm sấm nhỏ xinh nhưng không kém phần tinh tế, gói gém cả một văn văn hóa truyền thống lâu đời. Ai đã một lần nếm thử Dimsum chắc hẳn đều dễ dàng say đắm vị đặc sắc và sự yêu kiều của món ăn mang đậm tinh thần dân tộc Trung Hoa này.
Dimsum – Cội nguồn ẩm thực đặc sắc
Nói đến cội nguồn của Dimsum phải nhắc đến truyền thống Yum Cha, có nghĩa là uống trà và ăn bánh. Những quán trà ven đường mọc lên như là điểm dừng chân lý tưởng để thưởng thức trà cùng những chiếc bánh nhỏ ăn nhẹ để thoả lòng cho những du khách cần nghỉ ngơi sau những chặn đường buôn bán tơ lụa.. Kể từ đó, các món Dimsum bắt đầu phát triển và trở thành một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc như hiện nay.
Nhắc đến Dimsum người ta nghĩ ngay đến những mỹ từ như lâu đời, đa dạng, cầu kì để miêu tả về món ăn đặc sắc này. Dimsum được hiểu đơ giản là tên gọi của những món ăn nhỏ nhắn bao gồm phần nhân bên trong được gói trọn bởi lớp bột mỏng bên ngoài. Tưởng chừng rất đơn điệu nhưng nhờ vào sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, gia tài dimsum ngày càng đồ sộ khi trải dài với vô vàn phương pháp chế biến đa dạng.
Sự đặc biệt của hương vị khiến vị giác thực khách được du ngoạn trong thế giới ẩm thực khác nhau và đắm chìm trong những cảm nhận tinh tế. Với hơn 100 loại dimsum, được chia thành các phương pháp chính: hấp, chiên, xào, cuốn.
Các món hấp mang lại hương vị nhẹ nhàng thanh tao với các loại nhân tôm thịt hấp dẫn. Trong khi đó các món chiên, xào lại cuốn hút thực khách bởi vị giòn nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của các loại thực phẩm, mang lại những ấn tượng hoàn hảo về hương sắc Dimsum.
Phong vị Dimsum – phong vị nghệ thuật
Phong vị Dimsum chứa đựng những tinh tế của nghê thuật, hội tụ những nét đặc sắc của ẩm thực Trung Hoa. Một món dimsum đạt chuẩn là vỏ bánh phải có độ dày hài hoà với phần nhân, sao cho làm nổi bật được màu sắc bắt mắt của món ăn bên trong nhưng vẫn giữ được độ dai mềm hợp lí. Khi những chiếc xửng tre mộc mạc được mở ra, những chiếc dimsum nhỏ nhắn đang e ấp bên trong toả hương nghi ngút, làm dậy khẩu vị, khiến thực khách nóng lòng thưởng thức.
Dimsum mang cả một trời văn hóa
Khi ăn Dimsum, thực khách không gọi từng món riêng lẻ mà lựa chọn pha lẫn sắc màu rực rỡ, bắt mắt của vô vàn món ăn. Vẻ đẹp của những bữa tiệc Dimsum là sự giao thoa ăn ý của vị giác và thị giác với sự hội tụ của ba yếu tố Hương – sắc – vị – hình. Khi ăn Dimsum, người Hoa không gọi từng chút từng món riêng lẻ, mà trên bàn là sự pha lẫn sắc màu của vô vàn món ăn, mỗi thứ một ít nhưng chung quy lại tạo ra sự rực rỡ bắt mắt. Người Trung Quốc tin rằng, vừa ăn vừa thưởng thức nhiều món ngon cùng lúc sẽ khiến cho hương vị tăng lên bội phần.
Bên cạnh sự tinh tế tỉ mỉ của những viên Dimsum, tách trà nóng chính là linh hồn không thể thiếu của món ăn này. Vị trà thơm lừng, nóng hổi sẽ tiếp thêm hương vị giúp cái thanh đạm và tinh tế đặc trưng của Dimsum được dịp lan toả bội phần. Bên cạnh vị thơm ngọt của những viên Dimsum, vị chát đắng hậu ngọt của trà sẽ tạo nên sự dung hòa tinh tế. Mùi vị hấp dẫn của món ăn quyện cùng làn khói tỏa nghi ngút trên tách trà nóng hổi mang lại không gian thi vị, sẻ chia sự đầm ấm và cảm xúc thân thuộc đến những người thân yêu đang ngồi bên cạnh, cùng bạn thưởng thức món ăn.
Rồi đến cách ăn cùng những phong tục được người Trung Hoa giữ gìn kĩ lưỡng qua nhiều thế hệ nhờ có Dimsum. Khi ăn, người nhỏ phải mời trà và gắp món cho người lớn tuổi hơn, nét văn hoá đậm chất Á Đông thể hiện sự kín trọng đối với bậc cao. Hay cách thưởng thức Dimsum sao cho đúng điệu cũng khiến thực khách phải tò mò mà tìm cho ra. Người Hoa chính gốc sẽ dùng đũa cho những kiểu bánh như há cảo hay xíu mại, còn bánh bao hay bánh vừng thì ngon hơn khi ăn bằng tay.
Gói trọn phía sau những viên Dimsum nhỏ nhắn là biết bao tinh tuý của ẩm thực Trung Hoa. Không chỉ là món ăn truyền thống thể hiện tinh thần người Trung Quốc mà Dimsum đã thực sự chạm đến trái tim của thực khách bốn phương. Ngày nay, nền văn hóa ẩm thực Dimsum đã lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.