Dimsum (tiếng Trung: 点心) hay còn gọi là “điểm tâm” thực chất là chỉ các món ăn nhẹ lót dạ của người Trung Quốc. Dimsum thường là các loại đồ ngọt. Tương truyền, một vị đại tướng quân thời Đông Tấn nhìn thấy các tướng sĩ ngày đêm đổ máu trên chiến trường, anh dũng diệt giặc, nhiều lần lập công thì vô cùng cảm động, liền truyền lệnh cho làm các loại bánh ngọt mà mọi người yêu thích, sau đó sai người đem ra tiền tuyến, thăm hỏi các binh sĩ, với hàm ý “chạm tới trái tim” (点点心意). Kể từ đó, cái tên “Điểm tâm” (点心) đã lan truyền và được sử dụng rộng rãi.
Dimsum là tên gọi quốc tế của các món điểm tâm này
Trà cũng là nguồn gốc ra đời của dimsum: Khi những thương gia đi qua con đường tơ lụa, họ nghỉ mệt tại một trà quán và nhận ra nước trà giúp họ tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Từ đó, các trà quán phục vụ thêm cả những phần ăn nhỏ và phát triển dần thanh dim sum bây giờ. Khi đến nhà hàng dimsum, việc đầu tiên là phải gọi trà, nếu không sẽ chẳng cảm nhận được cái thanh đạm và tinh tế đặc trưng của dimsum.
Bên cạnh vị thơm ngọt của những miếng dimsum, vị chát đắng hậu ngọt của trà sẽ tạo nên sự dung hòa tinh tế. Mùi vị hấp dẫn của món ăn quyện cùng làn khói tỏa nghi ngút trên tách trà nóng hổi mang lại không gian thi vị, sẻ chia sự đầm ấm và cảm xúc thân thuộc đến những người thân yêu đang ngồi bên cạnh, cùng bạn thưởng thức món ăn.
Có một số loại trà được coi là phổ biến trong các nhà hàng dimsum: Bửu lỉ (Pu-Erh), Hoa cúc (Chrysanthemum), Ô long (Oolong) và trà Nhài (Jasmine). Với mỗi loại dimsum, chúng ta sẽ lựa chọn loại trà phù hợp nhất để uống cùng.
Được cho là có tác dụng đánh tiêu mỡ, trà Bửu lỉ, rất phổ biến trong khu phố người Hoa tại Sài Gòn, Chợ Lớn nhưng lại hầu như chưa biết tới tại miền Bắc, sẽ rất thích hợp khi ăn các món có độ mỡ cao như trong các món chiên. Bửu lỉ, nhiều khi cũng được coi như rượu vang của Dim Sum, rất tốt cho tiêu hoá. Trong khi Bửu lỉ có màu tối sẫm và vị giống mùi đất, trà Hoa Cúc với vị thơm dịu ngọt sẽ rất thích hợp và các món hấp, hải sản và các món tráng miệng nhẹ nhàng.
Với trà Ô long, đã quá nổi tiếng về hương vị và chất lượng nên hầu như tất cả các món dimsum đều có thể hợp với loại trà này. Nếu một lúc nào đó bạn do dự không biết chọn trà gì thì hãy gọi Ô long như một lựa chọn an toàn.
Không có một số lượng cụ thể nào cho số loại dimsum nhưng thường thì tại các nhà hàng dimsum sẽ phân loại dựa theo các nhóm chính như sau:
- Các món hấp: Đặc trưng của nhóm này là há cảo (har gow) , xíu mại (siu mai), 2 huyền thoại của dimsum
- Các loại bánh bao: Với các món đặc trưng là bánh bao xá xíu, bánh bao kim sa, không thể thiếu trong bất cứ thực đơn dimsum nào.
- Các món có thịt: 2 món đặc nổi bật nhất là chân gà tàu xì, sườn sốt hải sản... mà bạn chắc chắn phải thử khi đi ăn dimsum.
- Các món cuốn: Không thể thiếu bánh cuốn tôm huyền thoại
- Các món chiên: Các đỉnh cao của dòng này như há cảo chiên, bánh bao hạt lựu...
- Tráng miệng: Vô cùng phong phú và bổ dưỡng như Quy linh cao, chè đậu đỏ, chè tuyết nhĩ...
Trải qua hàng ngàn năm sáng tạo của các đầu bếp, hình dáng của các loại dimsum cũng ngày càng phong phú đa dạng, tạo hình chân thật, ví dụ như dạng các mô hình hình học, hình các con vật, đồ vật,…vô cùng bắt mắt và hấp dẫn. Các kiểu hình dạng cơ bản thường khá đơn giản và truyền thống như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật,…
Các kiểu hình dạng gần gũi với đời sống có thể là hình con vật hoặc cây cối. Chúng ta thường gặp các loại dimsum mô phỏng hình cây cối thực vật. Phổ biến nhất là các loại dimsum hình hoa, các nghệ nhân thường sử dụng hình mẫu các loại hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa sen, hoa bách hợp,…Ngoài ra các đầu bếp tại nhà hàng dimsum cũng tạo hình dimsum theo hình dáng các loại trái cây: táo, hồng, lê, cam,…Bên cạnh đó, mô phỏng các loài động vật cũng là một kiểu tạo hình dimsum phổ biến, như cá vàng, chuồn chuồn, chim én, thỏ ngọc,…
Từng món dimsum được bày ra trên các xửng hấp tre nghi ngút khói khi bày lên bàn tiệc đều là 3 miếng bởi số 3 trong tiếng Trung Hoa có cách đọc gần giống với chữ TÀI (tài trong tài lộc). Nếu có khác thì sẽ là 5 miếng (Phát trong Phát Tài), hay 6 miếng (Lộc trong Phúc Lộc). Tất cả đều mang ý nghĩa là Chúc thương gia buôn may bán đắt. Dimsum không bao giờ được bày 4 miếng bởi trong tiếng Trung Quốc, số 4 (tứ) đọc gần giống với chữ Tử (chết). Người Trung Hoa kiêng con số này vì nó không mang lại may mắn trong việc buôn bán vốn là một mất một còn, cũng như việc ra chiến trận.
Khi ăn, người nhỏ phải mời trà và gắp món cho người lớn tuổi hơn, nét văn hoá đậm chất Á Đông thể hiện sự kín trọng đối với bậc cao. Hay cách thưởng thức dimsum sao cho đúng điệu cũng khiến thực khách phải tò mò mà tìm cho ra: Người Hoa chính gốc sẽ dùng đũa cho những kiểu bánh như há cảo hay xíu mại, còn bánh bao hay bánh vừng thì ngon hơn khi ăn bằng tay.
Sự đa dạng ở hương vị, cầu kỳ trong cách chế biến và thưởng thức cùng văn hoá ẩm thực lâu đời, dimsum không chỉ là món ăn truyền thống thể hiện tinh thần người Trung Quốc mà còn thực sự chạm đến trái tim của thực khách. Qua những thông tin Dimsum Đại Hưng vừa cung cấp trên đây, hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hơn về món ăn tinh hoa của ẩm thực Trung Hoa này nhé.